Doanh nghiệp dệt may Việt có thật sự lợi thế trong chiến tranh thương mại?
Những cơ hội từ cạnh tranh thương mại mang lại cho ngành dệt may là có nhưng đi cùng với đó là những nỗi lo. Vậy đâu là vị thế và giá trị gia tăng thật sự của ngành sản xuất đang mang lại giá trị xuất khẩu lớn thứ ba của cả nền kinh tế?
Dù bày tỏ tự tin khả năng ngành dệt may hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 40 tỉ USD trong năm nay nhưng ông Vũ Đức Giang, chủ tịch VITAS vẫn cho rằng áp lực khá lớn từ cả hai thị trường xuất khẩu và nhập khẩu quan trọng nhất của Việt Nam là Mỹ và Trung Quốc.
Áp lực lớn nhất của ngành vẫn là phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Bản tin ngành dệt may tám tháng đầu năm cho thấy kim ngạch xuất khẩu cả ngành đạt 25,67 tỉ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ 2018, trong khi đó kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu cũng đạt xấp xỉ 14,94 tỉ USD.
Nguồn nguyên liệu nhập khẩu phụ thuộc lớn nhất vào Trung Quốc. "Chúng ta hiện thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc khi nhập khẩu vải, sợi nguyên liệu dệt may chủ yếu từ thị trường này nhưng cũng đồng thời là thị trường chính xuất khẩu sợi của Việt Nam", ông Giang nói tại một sự kiện mới đây.
Theo số liệu VISTA, xuất khẩu sợi của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm chỉ tăng chưa đến 1% so với cùng kỳ trong khi đó mặt hàng nhập khẩu chính là vải tăng 4,6% , đạt 7,76 tỉ USD và chiếm hơn 58% tổng giá trị nhập khẩu toàn ngành. Đáng chú ý Việt Nam cũng nhập khẩu sợi hơn 1,44 tỉ USD trong cùng thời điểm, tăng hơn 6% so với cùng kỳ 2018.
Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM), một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu các mặt hàng sợi, vải và hàng may mặc - cho biết trong sáu tháng đầu năm nay doanh thu vải và hàng may mặc tăng trưởng lần lượt 10,3% và 15% so với cùng kỳ nhưng riêng mảng sợi lại tăng trưởng âm 21%.
“Thị trường xuất khẩu sợi chủ yếu của TCM là Trung Quốc, trong khi giá sợi tại đây liên tục giảm do nguồn cung dư thừa, khi Mỹ áp thuế các nhà sản xuất quay lại thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Lợi nhuận gộp mảng sợi của TCM trong kỳ chỉ khoảng 2% so với năm 2018 lên đến 8-9%”, theo báo cáo cập nhật của công ty chứng khoán VNDirect.
Theo ông Giang, căng thẳng thương mại khiến Trung Quốc giảm mạnh nhập khẩu sợi từ Việt Nam. Đại diện VITAS lý giải một trong những nguyên nhân quan trọng là việc nhân dân tệ giảm giá đã làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm sợi Việt Nam tại Trung Quốc.
"Trong khi Việt Nam lại nhập khẩu lượng vải cao nhất từ Trung Quốc, các đơn hàng từ thị trường này thời gian qua bị chậm và chịu áp lực tăng giá. Điều này tạo áp lực lớn cho phần cung thiếu hụt trong ngành dệt may của Việt Nam hiện nay,” ông Giang nói.
Vấn đề thanh toán cũng đang bị ảnh hưởng khi các công ty Việt Nam mua nguyên liệu phải trả L/C ngay trong khi các nhà mua thành phẩm lại yêu cầu thanh toán trả chậm 30, 60, 90 ngày, dẫn đến rủi ro cao cho doanh nghiệp. "Hiện đã có trường hợp xảy ra kiện tụng giữa doanh nghiệp Việt và nhà bán lẻ Mỹ”, ông Giang lưu ý.
Dệt may Việt Nam được cho hưởng lợi từ Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của với ngành hàng này, có giá trị ước đạt 16,8 tỉ USD năm nay, chiếm khoảng 42% tổng giá trị xuất khẩu của toàn ngành, theo VITAS.
Tuy nhiên xuất khẩu vào Mỹ chủ yếu thông qua các công ty FDI là chính. Số liệu từ VITAS cho thấy 60% giá trị cả xuất và nhập khẩu ngành dệt may Việt Nam đến từ khối FDI.
Dữ liệu của công ty nghiên cứu thị trường Fiingroup cũng chỉ ra trong giai đoạn tháng 6.2018 đến tháng 6.2019, xuất khẩu hàng dệt may từ khối công ty trong nước chỉ chiếm khoảng 16% tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành.
Khối FDI đến từ Hàn Quốc đóng góp cao nhất với xấp xỉ 50% tỷ trọng xuất khẩu hàng dệt may từ Việt Nam. Các công ty sản xuất OEM hàng đầu của Hàn Quốc có mặt tại Việt Nam khá sớm và thiết lập chuỗi cung ứng cạnh tranh mạnh. Ngoài ra còn có Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan cũng đang xây dựng nhà máy nhằm tận dụng các chính sách mở của Việt Nam thông qua các FTA, báo cáo mới đây của Fiingroup nhận định.
Theo đánh giá của ông Trần Toàn Thắng, chuyên gia Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cứ 1% thuế Mỹ tăng trên hàng hóa Trung Quốc sẽ kéo theo 6,5% sự giảm về nhu cầu thị trường của mặt hàng đó. Tuy nhiên ông cho rằng với nhóm hàng dệt may, không nhiều sản phẩm Việt Nam tận dụng được. Đặc biệt sản phẩm dệt kim của Việt Nam không có nhiều lợi thế tại Mỹ.
“Khi Mỹ tăng thuế, hàng hóa Trung Quốc tại thị trường này có xu hướng giữ giá thay vì giảm giá để giữ thị phần. Điều này gia tăng lỗ hổng thương mại nhưng chỉ trong ngắn hạn và nhanh chóng lấp đầy bởi các quốc gia khác ngoài Việt Nam”, ông Thắng phân tích.
Cũng theo ông, Việt Nam cần xây dựng lại chính sách đối với các doanh nghiệp FDI trong bối cảnh thương mại mới. Đây là yếu tố quan trọng để Việt Nam xác lập vị thế mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đại diện VITAS khuyến nghị doanh nghiệp chủ động đa dạng hóa thị trường. Hiện nay nhiều doanh nghiệp Mỹ bắt đầu chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam để bổ sung nguồn cung thiếu hụt của ngành. "Trong khi đó, để thay thế thị trường Trung Quốc, Việt Nam đang phải tìm đường xuất sợi sang các thị trường như Trung Đông, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật, Mỹ…,” chủ tịch VITAS nói.
TCM cho biết đã có sự chuyển dịch thị trường hơn năm qua. Nếu năm 2017, bốn thị trường Mỹ, Nhật, Hàn Quốc và EU chiếm 96% doanh thu xuất khẩu thì đến cuối 2018 Trung Quốc thành thị trường lớn thứ 4 với tỷ trọng 11,9% doanh thu, sau Hàn Quốc (26,3%), Mỹ (24,6%), Nhật (22%). Năm 2019, công ty này mở thêm thị trường Canada, Úc bên cạnh việc đẩy mạnh thị trường EU trở lại nhờ FTA đã ký kết.
Ông Giang cũng cho biết VITAS đang làm việc với Hiệp hội Bông Mỹ và Bộ Nông nghiệp Mỹ để thành lập một tổng kho ngoại quan cho sản phẩm bông nhằm giảm thời gian mua hàng và tăng chủ động nguyên liệu cho các doanh nghiệp Việt, như cách mà Mỹ đã làm tại Indonesia,
Ngoài ra, hiện đã có doanh nghiệp đầu tư kéo sợi bông len từ lông cừu tại Đà Lạt và các tập đoàn của Israel, Mỹ đầu tư dự án dệt tại Bình Định. Các dự án này có thể giúp Việt Nam giảm phụ thuộc nguyên liệu từ bên ngoài, giảm chi phí mua hàng qua đó giảm thâm hụt thương mại với Mỹ. (Theo Forbesvietnam)